Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Appassionata


Mỗi lần được về với biển, anh vui lắm. 

Biển trong anh không trải dài mượt mà, không có những bóng dừa nghiêng nghiêng, không có cánh hải âu chao liệng. Biển trong anh không êm đềm hiền hòa mà cồn cào sóng dữ. Chậm bước chân trên bờ cát em sẽ thấy bình yên những cũng khấp khởi bất an. Biển là thế, muôn đời là thế! 

Anh nhấn những gót chân chậm lên cát ẩm. Những đợt sóng trào dâng, cố cuốn chiếc vỏ ốc khô về với đại dương.

Appassionata!

Đó là tên một bản hòa tấu mà anh thường say đắm nghe.

Với người đam mê thì biển khơi như vòng tay ấm. Lại có người yêu đại ngàn nói với anh: biển là hố đen sâu thẳm, biển chứa đầy dục vọng và tội ác, biển là lòng tham, là ước muốn sở hữu vô cùng. 

Anh yêu đại ngàn, nhưng mỗi lần về với biển anh thấy nhẹ lòng. 

Anh đứng trên bờ cát và gọi cho em, chỉ muốn được sẻ chia cảm giác ấy. Mặt trời đỏ rực phía sau lưng anh. 

Tiếng violins của Appassionata vẫn du dương. Ở nơi thành phố chật chội, mỗi khi nghe bản nhạc này anh luôn để thêm một track tiếng sóng biển ì ào làm playback. Nhưng hôm nay thì không cần nữa. 

Biển khơi thật kì diệu và vĩ đại biết bao!

Appassionata!

Nỗi nhớ...

Chiều muộn, anh bước ra ga tàu mà trên áo còn vương vị mặn. Đã có lúc lang thang trên những ngọn núi cao, anh sợ phải về với cuộc sống thường ngày. Nhưng hôm nay biển khơi và Appassionata cuốn khỏi lòng anh những phiền muộn ấy. 

Anh xuống tàu và bước dọc theo những thanh ray dài lạnh lẽo. Chín giờ tối, tiếng đế giày miết ken két trên đá lạnh vội vã. Anh đi chậm lại và ngắm nhìn những khuôn mặt. 

Chín giờ mười phút, chuyến tàu ngược vắng hoe.

From: Cancer

Đôi nét về tác phẩm:

Piano Sonata No. 23 in F minor "Appassionata", Opus 57
(Sonata cho piano số 23 giọng Fa thứ "Appassionata", tác phẩm số 57)

Tác giả: Ludwig van Beethoven
Thời gian sáng tác : 1804 - 1806
Đề tặng: công tước Franz von Brunswick
Thời lượng : khoảng 23 phút

Tác phẩm gồm 3 chương:
I. Allegro assai
II. Andante con moto - attacca
III. Allegro ma non troppo - Presto 

Bản sonata viết cho piano số 23 giọng Fa thứ, tác phẩm số 57, thường được gọi là Sonata “Appassionata” được xem là một trong 3 sonata đỉnh cao thời kỳ “thành thục” của Beethoven, cùng với Sonata No. 26 “Les Adieux”, Op. 81a và Sonata No. 21 “Waldstein”, Op. 53 quen thuộc với tên gọi Sonata “Bình minh” bởi cảm hứng trong trẻo và tươi mới đem lại từ những giai điệu đầy sức sống. Tác phẩm được viết trong những năm 1804, 1805 và có lẽ cả trong năm 1806, đề tặng cho công tước Franz von Brunswick. Ấn phẩm đầu tiên xuất bản vào tháng 2 năm 1807 tại Vienna.

Ngoại trừ sonata số 8, “Pathétique” (Bi thương) được chính tác giả đặt tên, “Appassionata” cũng như “Moonlight”… là cái tên được nhà xuất bản gán cho và nhanh chóng được phổ biến bởi tính chất biểu cảm nhiệt thành toát ra từ nội dung. Cái tên này xuất hiện lần đầu trên ấn phẩm chuyển soạn sang cho piano 4 tay xuất bản năm 1838. “Appassionata” được đánh giá là một trong những bản sonata hay nhất của Beethoven, với khả năng biểu đạt chuyển động và cảm xúc rực rỡ. Cùng với sonata “Waldstein”, người ta cho rằng nó là được sáng tác từ nguồn năng lượng mới khai sinh cùng với Giao hưởng số 3 “Anh hùng” - một cột mốc chói sáng ghi dấu những nét đặc trưng cấu trúc và biểu cảm trong âm nhạc Ludwig Van Beethoven.

Sau những giai đoạn làm việc căng thẳng và hoàn thành Sonata số 21 “Waldstein”, Beethoven đã dành thời gian mùa hè năm 1804 nghỉ tại khu suối nước nóng ở Baden thuộc Áo, cùng với học trò của ông là Ferdiand Ries. Đây cũng là thời gian ông bắt đầu ý tưởng cho 2 bản sonata mới là Piano sonata No. 22, Op. 54 và Piano sonata No. 23, Op. 57. Nhạc sĩ thuê phòng ở trong một làng tại Döbling phía bắc Vienna. Ông thường dành thời gian buổi chiều đi dạo trên những con đường ven rừng. Ries, người bạn đồng hành trong các cuộc đi dạo thời gian đó, đã kể lại câu chuyện về sự ra đời chương cuối bản sonata :

“Trong một lần đi dạo vào buổi chiều, chúng tôi đi xa đến nỗi gần như bị lạc và đến tận 8h tối mới trở về Döbling, trên đường về ông ấy bắt đầu hát khe khẽ, đôi khi cất giọng ồm ồm rất rõ một giai điệu trầm bổng, nhưng nghe không ra đâu vào đâu?! Khi tôi hỏi thì ông trả lời đó là chủ đề của chương cuối sonata Op. 57 vừa mới xâm chiếm trí óc ông. Trở về phòng, nhạc sĩ vội vã ngồi vào đàn, thậm chí quên bỏ mũ cũng như nhanh chóng quên cả sự có mặt của tôi. Ông chơi đàn và hát vang nhà với giai điệu sôi nổi mà theo lời ông là của chương cuối bản sonata số 23 trong gần 1 giờ đồng hồ. Cuối cùng ông đứng dậy, ngạc nhiên khi thấy tôi đứng đó và nói : “ Rất tiếc là tôi ko thể dạy anh được, hôm nay tôi đang có việc phải làm”…”

Chương đầu, viết theo hình thức sonata-allegro, chuyển động nhanh sau phần mở đầu gây ngạc nhiên trong việc thay đổi tone và nhịp độ. Chủ đề mở đầu dựa trên 2 motif tương phản. Motif đầu trầm lắng nhưng mang điềm báo đáng ngại, motif thứ hai rất ngắn chỉ với 4 nốt nhưng được nhắc lại quả quyết và đầy khó chịu, được lặp lại có quy luật gợi nhớ đến âm hình “định mệnh gõ cửa” trong chương 1 bản Giao hưởng số 5 của nhạc sĩ sau này. Ngay sau hình ảnh đầy ám ảnh mang dáng vẻ của một thế lực đen tối này, motif đầu được nhắc lại ở giọng Son giáng trưởng tạo nên tương phản. Phần tóm tắt chủ đề 1 là đoạn chơi khá mạnh với sự hân hoan chiến thắng chuyển sang giọng Fa trưởng với sự thay đổi ví trí trên phím piano. Chủ đề 2 xuất hiện như là sự đảo ngược tự do của chủ đề chính mang màu sắc thanh thản và nét đẹp nhẹ nhàng. Tiếp đó là phần phát triển khi mà các chủ đề va chạm nhau, mâu thuẫn đẩy dần lên cao trào với sự chiếm ưu thế của chủ đề 1. Cũng như trong Sonata “Waldstein”, đoạn coda kéo dài một cách bất bình thường, chứa đựng phần ứng tác hợp âm rải trải rộng trên bàn phím piano. Việc tác giả lựa chọn giọng Fa được nhanh chóng làm sáng tỏ khi nhận thấy chương này thường xuyên sử dụng các tông tối và sâu của những nốt Fa thấp nhất trên đàn piano, cũng là nốt thấp nhất mà Beethoven đã sử dụng trong sáng tác sonata.

Chương 2 được xem như phần lắng dịu giữa 2 cơn bão. Chìm trong không khí ấm áp và thân tình, khá đồng nhất về giai điệu tương phản với sự phức tạp đan xen của chuyển động cũng như tính chất âm nhạc của chương trước. Không khí này có được nhờ cấu trúc chỉ gồm 1 chủ đề và các biến tấu với nhịp độ chậm, yên tĩnh và có tính chất tụng ca ở giọng Rê giáng trưởng. Chủ đề này gồm có 2 đoạn tám nhịp đều đặn được nhắc lại, đoạn thứ 2 bắt đầu ở giọng La giáng trưởng. Các khúc biến tấu lần lượt là :

Biến tấu đầu tương tự như chủ đề gốc, nhấn nhịp khác thường ở tay trái.

Biến tấu 2 là sự tô điểm thêm cho chủ đề chính với 16 nốt.

Biến tấu 3 với tốc độ nhanh, thêm vào 30 nốt. Thay cho việc nhắc lại, tay trái và tay phải mỗi bên đảm nhiệm một phần của chủ đề chính khi trở lại.

Biến tấu 4, đoạn nhắc đi nhắc lại chủ đề gốc với một chút thay đổi, thay thế đoạn kết ở nốt lặng, cặp đôi khép lại ở hợp âm quãng 7 giảm (ở tay phải?!), đầu tiên chơi pianissimo rất nhẹ, tính chất âm nhạc tươi mới, trong vắt… như gạn lọc, tẩy rửa… lúc đầu ở tay phải, rồi tiếp nối với cả 2 tay, sau một giây lát dường như ngơi nghỉ bất ngờ chơi rất mạnh, vang như tiếng sấm (so sánh theo mức độ tương phản với phần trước) và chuyển sang chương 3 không có đoạn nghỉ (attacca). Beethoven cũng đã kết chương 3 của Giao hưởng số 5 trong khi trạng thái căng thẳng vẫn chưa chấm dứt, để rồi chương 4 nối tiếp với tiếng kèn đồng hân hoan chiến thắng. Cũng như vậy, ở đây cũng có một đoạn kết không đuợc giải quyết hoàn toàn, nhưng sự trì hoãn lâu hơn so với bản Giao hưởng số 5.

Chương 3 cũng dựa trên hình thức sonata – allegro nhưng có nhiều biến đổi khác thường, chỉ có phần thứ 2 là được chủ định sẽ nhắc lại. Chương này được dựa trên chủ đề có tính chất chuyển động không ngừng (perpetuum mobile)* với 16 nốt luân chuyển liên tục mà chỉ được ngắt quãng trong đoạn trình bày và đoạn coda. Đoạn coda xuất hiện với chủ đề hoàn toàn mới dựa trên hình thức nhịp đôi. Chuyển động của cảm xúc dẫn đến đỉnh điểm ở giọng Fa thứ án ngữ một cách vững chắc với sự hỗ trợ từ những âm át quãng bảy. Chương này là một tổ hợp giàu cảm xúc với nhịp bước gấp gáp, nếu không muốn nói là một cơn bão táp âm thanh.

Sonata “Appasionata” trong đời sống :

Sức mạnh lôi cuốn của những cảm xúc, của dòng chuyển động âm thanh xuyên suốt qua mối quan hệ phức tạp và đa dạng giữa các yếu tố trong bản sonata, đã gợi lên những liên tưởng về những cuộc đấu tranh cùng nỗ lực vượt lên trên sự rối loạn và hỗn mang, bằng sức mạnh của lòng nhiệt thành, của tình cảm chân thật. Đó cũng là lý do khiến Lenin - nhà cách mạng xã hội của thế kỷ 20 rất yêu thích tác phẩm này. Maxim Gorky kể lại rằng Lenin luôn tự nhận mình không có khả năng phê bình âm nhạc cũng như điều kiện thưởng thức âm nhạc, nhưng luôn yêu thích và sẵn sàng nghe Sonata “Appasionata” bất cứ lúc nào, với một suy nghĩ xuất phát từ cảm nhận chân thành, nhưng cũng tự nhận là có phần ngây thơ rằng “hãy xem, con người có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu như thế nào”.

Nếu như các sonata nổi tiếng khác như số 8 “Pathétique”, số 14 “Moonlight” hay cho đến sonata No. 26 “Les Adieux”… nổi trội với nét trữ tình sâu lắng, bổ sung những nét mềm mại vào bức chân dung Beethoven vốn được dựng lên từ những nét cấu trúc vững chãi chắc khỏe của các bản giao hưởng, thì Sonata “Appasionata” lại như một phần thuộc về âm hưởng hào hùng của các bản giao hưởng kia, được tạo nên từ nguồn chất liệu đơn giản song mang lại những ấn tượng cảm xúc lớn lao không kém. 

Chú thích : * perpetuum mobile (tiếng Latin) được hiểu là một đoạn nhạc đặc trưng bởi sự chuyển động không ngừng của các nốt với nhịp nhanh. Toàn bộ hoặc một phần đáng kể thường được nhắc đi nhắc lại mà không bị giới hạn bởi số lần. Kỹ thuật này cũng xuất hiện trong chương cuối Piano Sonata No. 17 “Tempest” (Bão táp) của Beethoven, hay trong Piano sonata No. 2 của Frédéric Chopin… và được thể hiện bởi dàn nhạc như trong chương cuối Concerto cho dàn nhạc của Béla Bartok. Trong một vài trường hợp, thể canon cũng có thể được chơi theo kiểu moto perpetuo, lúc đó được gọi là canon perpetuus.

Nguồn : http://en.wikipedia.org
http://www.bbc.co.uk/radio3/classical

Post a Comment