Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » Romance



Bộ phim Ruồi trâu được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nữ nhà văn người Anh - gốc Ý Ethel Lilian Voynich, xuất bản năm 1897 tại Mỹ (tháng 6) và Anh (tháng 9).

Câu chuyện diễn ra vào thế kỉ 19 tại Ý, lấy bối cảnh lịch sử là phong trào cách mạng “Nước Ý trẻ”.Thời đó, đất nước này đang bị chia cắt. Dưới quyền kiểm soát của đế quốc Áo, các phong trào cách mạng nhằm thống nhất nước Ý đều bị đàn áp. Vào những năm trước và sau 1848, những năm mà sử sách châu Âu thường gọi là “mùa xuân của các dân tộc”, cao trào cách mạng tràn lan khắp châu Âu.

Một thanh niên Ý kiên cường đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho lí tưởng giải phóng đất nước – đó là Ruồi trâu, bút danh của người thanh niên hoạt động cách mạng của phong trào “Nước Ý trẻ”.

Trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, nhân vật chính Pavel đã đọc cuốn Ruồi trâu cho tất cả đồng chí của mình cùng nghe và chia sẻ tình cảm ngưỡng mộ với Ruồi trâu - một con người đã sống vì lý tưởng cách mạng: "Câu chuyện bi thảm thật. Ai mà tưởng tượng được có những con người bản lĩnh như thế trên đời này. Một con người thường không thể chịu cực hình đến độ ấy. Nhưng khi người ấy vì lý tưởng mà chiến đấu thì nhất định giữ vững được tinh thần".



Ở Ruồi trâu, con đường đi đến chân lý để gửi vào đấy tất cả lòng tin sắt đá của mình rất gian truân và cay đắng. Cậu sinh viên Áctơ Bơntơn đã đến với cách mạng với tấm lòng rất trong trắng và ngây thơ nữa. Anh sẵn sàng hiến dâng tất cả đời mình cho khẩu hiệu vì tôn giáo và vì nhân dân. Anh những tưởng đứng về phía tôn giáo là đứng về phía nhân dân.

Đấy cũng là ảo tưởng của nhiều nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa và dân chủ tư sản ở Châu Âu trong nửa đầu thế kỷ XIX. Nhưng vừa chạm với thực tế, ảo tưởng của Áctơ đã tan tành, nát vụn. Anh thấy anh bị lừa dối suốt đời. Rồi trong bước đường luân lạc, Áctơ sa xuống tận đáy xã hội, nếm đủ mọi cảnh lầm than cực nhục. Như anh có lần kể lại với Giêma người yêu của lòng anh: "Chính tôi đã rơi xuống địa ngục thật sự; nhưng chính từ đấy tôi cũng thoát khỏi sự mê tín vào một hỏa ngục tưởng tượng".

Từ đó, anh càng thấy rõ phải vì nhân dân mà chống lại không mệt mỏi, không thương tiếc những kẻ thù tư tưởng của anh.

Cuộc đời Áctơ – Ruồi trâu chứa đựng những bí mật khiến anh bị giằng xé giữa tình yêu và nỗi tức giận, chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần. Nhưng vượt lên tất cả anh đã luôn tiến về phía trước. Anh đã sống với ý chí và nghị lực đáng khâm phục.

Trải qua bao năm tháng, giá trị lớn lao của cuốn sách vẫn không hề thay đổi, đó là làm hăng say từng lớp thế hệ thanh niên, làm cho người đọc tin, tin nữa, tin thêm, tin một cách tự nhiên và vô hạn ở tư tưởng nội tâm trong mỗi con người.

Bộ phim Ruồi trâu do điện ảnh Nga sản xuất năm 1955 có đạo diễn là Alexander Feinzimmer - một trong những cộng sự xuất sắc nhất, có cái nhìn đầy đủ về điện ảnh âm nhạc nhất, cũng là người đã từng cùng với nhà soạn nhạc Prokofiev xây dựng bộ phim Lieutenant Kijé năm 1934. Phần âm nhạc của phim do nhạc sỹ Dmitri Shostakovich đảm nhiệm.

Trong cuộc đời sáng tác đồ sộ, Dmitri Shostakovich đã sáng tác gần 40 tác phẩm âm nhạc cho phim. Ruồi trâu nổi bật lên là một trong những thành công vang dội nhất cả bởi cuộc cách mạng tinh thần khủng khiếp bên trong nó, tính chất đấu tranh nội tâm âm trầm nhưng gay gắt mạnh mẽ và những lớp âm thanh sâu thẳm của chính nhà soạn nhạc.

Vì ngay trong bản thân câu chuyện đã là một cuộc cách mạng gần như triệt để nên âm nhạc của Shostakovich chỉ còn phục vụ cho chính nó, được hoàn toàn tự do mà không chịu sự giao thoa của các ý thức hệ tư tưởng. Âm nhạc đã thực sự phản ánh câu chuyện nổi loạn của thế kỉ 19 tại nước Ý trẻ tuổi chống lại quân Áo trong tâm trạng giằng xé giữa tình yêu, lý tưởng và lý trí của nhân vật chính, và ảnh hưởng của sức mạnh nội tâm đó tới những người xung quanh.

Cấu trúc của các tác phẩm hầu hết rơi vào các vòng gam La trưởng – Si trưởng – La trưởng nhưng tổ khúc Ruồi trâu sử dụng nhiều hợp tuyển hơn hầu hết các tổ khúc âm nhạc dành cho phim khác (bình thường khoảng 7 đến 10). Có tới 12 tác phẩm trong một tổ khúc, 4 trong số đó chứa đựng âm hưởng buồn trĩu nặng khiến cho toàn bộ tổ khúc mang một cảm giác chơi vơi và thiếu cân bằng.

Khúc mở màn như thể một tác phẩm của Handel bởi vẻ đẹp thanh nhã và quý tộc ẩn mình trong đó. Contredance – track thứ 2 là một điệu nhảy duyên dáng đáng yêu với phần chủ đề nổi bật lên tiếng oboe và kèn clarinet. People"s Holiday hay còn gọi là The Fair – rất thích hợp cho một lễ hội với tiếng kèn đồng và tiếng trống rộn ràng. The Interlude được sắp xếp hòa hợp với cấu trúc của bộ đàn dây rất nhẹ nhàng mềm mại ăn khớp với phần lưỡi gà của bộ gõ đã được điều chỉnh thấp. The Barrel Organ Waltz thực sự là một điệu valse chuẩn mực nhưng vẫn pha trộn được cảm giác về nhịp điệu của điệu nhảy polka.

Bốn tác phẩm xuyên suốt trong tổ khúc là đoạn mở đầu, Romance (track thứ 8), Intermezzo và Nocturne – đều bộc lộ rõ giai điệu của những nỗi buồn sâu thẳm. Tâm trạng này được thể hiện một cách phong phú bởi các nhạc cụ trên toàn bộ dàn nhạc giao hưởng Với đoạn mở đầu, Shostakovich sử dụng oboe và clarinet làm nổi bật phần chủ đề thứ hai của giai điệu chính. Trong Romance thì là vai trò chủ đạo của violin solo và tiếng viola, cello trầm ấm đã dẫn dắt phần âm hình cho Nocturne.

Romance hiển nhiên là tác phẩm nổi bật nhất trong tổ khúc, và cũng là khoảnh khắc sâu lắng và mạnh mẽ nhất trong toàn bộ phần âm nhạc. Đó là một tác phẩm cho dàn nhạc và violin tuyệt vời tuy nhiên nó thường được chơi một cách đơn giản hóa với việc bỏ qua phần dừng kép, và đôi khi là chuyển sang chơi ở cung Rê trưởng cho những violinist không thể xoay sở với cung Đô thứ trong bản gốc.

Cũng như bản thân Ruồi trâu – với một cuộc đời chứa đựng những bí mật khiến anh bị giằng xé giữa tình yêu và nỗi tức giận, luôn phải chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, thì Romance cũng đau khổ, thiết tha và dằn vặt như thế.

Tình yêu và những xúc cảm mạnh mẽ của Ruồi trâu đã đi theo anh suốt cả cuộc đời, giống như Romance – dù đau đớn âm thầm, nhưng vẫn là một bản tình ca mãnh liệt.

little* fire

Post a Comment